Những địa danh không thể bỏ qua khi đến Hoằng Hóa
Hoằng Hóa là vùng đất “địa linh” nên dường như mỗi ngọn núi, con sông hay bãi biển… cũng trở thành một danh lam - thắng cảnh mang vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ và hấp dẫn
Với 15 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và trên 70 di tích lịch sử cấp tỉnh cùng với tiềm năng du lịch biển, Hoằng Hóa đang là điểm đến hội tụ nhiều loại hình du lịch hấp dẫn và đang thực sự trở thành miền đất tiềm năng của Du lịch xứ Thanh.
Giờ đây nhắc đến địa danh huyện Hoằng Hóa, người ta thường nghĩ tới biển Hải Tiến. Cách TP. Thanh Hóa khoảng 15 km, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến được ví như một nét chấm phá trong bức tranh sơn thủy hữu tình dọc bờ biển dài 12 km của huyện Hoằng Hóa, mang đến sự khác biệt và mới lạ so với các điểm du lịch biển khác của xứ Thanh. Từ biển Hải Tiến du khách sẽ được đến các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trên địa bàn huyện. Đó là....
Di tích Bảng Môn Đình
Bảng Môn Đình là nơi vinh danh, hội tụ những người đỗ đạt và đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh - nhân dân tôn thờ là “Trạng Quỳnh” ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa.
Bảng Môn Đình được Xây dựng vào thế kỷ XV, hiện đã được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người Hoằng Lộc nói riêng, người dân Hoằng Hóa nói chung. Nhắc đến Hoằng Lộc cũng là nhắc tới quê hương của Trạng Quỳnh. Ngày nay, vào ngày lễ hội, đền thờ cụ Trạng Quỳnh đón tiếp hàng vạn lượt khách thập phương, các sĩ tử về dâng hương tưởng niệm, cầu mong sự đỗ đạt, thành danh.
Chùa Hồi Long
Chùa Hồi Long tại xã Hoằng Thanh là một trong số những ngôi chùa lớn nổi tiếng ở xứ Thanh được xây dựng từ thế kỷ XI dưới thời vua Lý Công Uẩn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa không còn giữ được nét nguyên sơ ban đầu. Hiện nay việc trùng tu lại cảnh quan, kiến trúc ngôi chùa đang được tiến hành.
Đến thời điểm hiện tại, chùa đã xây dựng hoàn thành ngôi Tam bảo, lầu chuông, nhà khách phía Tây, khu nội tự, hệ thống Giao thông, hệ thống kỹ thuật liên quan và đang tiếp tục hoàn thành ngôi nhà thờ Mẫu, thư viện phía Đông, đồng thời xây dựng lầu trống, nhà thờ Tổ, nhà Tứ ân, giảng đường cho Phật tử tu tập, cổng tam quan, các hạng mục phụ trợ và hệ thống giao thông còn lại.
Chùa được quy hoạch trên diện tích 1,4 ha, chùa thiết kế theo hình chữ công, gồm có 3 khu: Khu tâm linh, khu từ thiện và khu dưỡng lão. Khu tâm linh được xem là khu trung tâm gồm tam bảo được hợp thành bởi 3 gian hậu cung, trung đường, tiền đường và 2 trái, hành lang lan can đá theo kiến trúc cung đình. Sau tam bảo là giảng đường và nhà thờ tổ, bên phải là nhà mẫu, lầu trống, điện hộ pháp; bên trái là nhà tứ ân, lầu chuông, điện hộ Pháp. Toà tam bảo được dựng lên bởi 32 cây cột gỗ dài và 48 cột đá. Nền chùa được tôn cao 1,8m, mái chùa cao thoáng, màu sơn vàng - nâu là chủ đạo cộng với lối đắp vẽ mái đao rồng, phượng cầu kỳ góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp mắt, có sự kết hợp nhuần nhị giữa văn hóa nhiều vùng, miền. Phía trong chùa 11 pho tượng lớn nhỏ được làm từ gỗ hoặc đồng, lớn nhất là tượng Phật Di Đà cao 3,3m.
Đền thờ Lê Trung Giang
Đền thờ Lê Trung Giang toạ lạc trên diện tích gần 10.000m2 tại xã Hoàng Ngọc và có tên gọi đầy đủ là khu “Quần thể văn hoá và di tích lịch sử Tướng công Đại vương Lê Trung Giang”. Đây là Khu văn hóa và di tích lịch sử được tổ chức Văn hóa khoa học và Giáo dục UNESCO Việt Nam bảo trợ.
Tướng công Lê Trung Giang là một chiến tướng dưới thời Lê trung hưng. Ông làm quan trải qua 4 triều vua, phục vụ 66 năm trong triều đình và rất được ân sủng ban tới 13 đạo sắc, sắc phong. Nhớ công ơn đánh giặc, giữ yên bờ cõi, bồi đắp vùng đất biển hoang sơ thành vùng dân cư đông đúc, trù phú người dân nơi đây tôn ông làm thành hoàng làng và lập đền thờ phụng.
Đền thờ Lê Phụng Hiểu
Lê Phụng Hiểu là người hương Băng Sơn (làng Bưng) nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn.
Ông là người lập nhiều công lớn, giúp nhà Lý ổn định tình hình đất nước và giữ vững nền độc lập dân tộc. Sau khi thắng trận trở về, vua Lý Thái Tông mở hội định công, Lê Phụng Hiểu nói: “Thần không muốn thưởng tước, xin cho đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, đao rơi xuống chỗ nào trong đất công thì xin cho làm sản nghiệp”, vì thế nói đến Tướng quân Lê Phụng Hiểu là nói đến tích “Thác đao điền” (ruộng ném đao).
Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng
Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng cách Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến 2km về phía Đông Bắc dưới chân dãy núi Linh Trường hùng vĩ, bạt ngàn thông reo.
Đây là nơi tưởng niệm và ghi dấu ấn trên miền Bắc vào ngày 14/10/1967 các cụ lão dân quân Hoằng Trường đã bắn rơi chiếc máy bay phản lực thứ 2.400 của Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen.
Tượng đài Lão dân quân Anh hùng Hoằng Trường được xây dựng với quy mô hoành tráng, trang nghiêm làm bằng chất liệu đá Thanh Hóa với hình tượng Lão dân quân vạm vỡ, rắn chắc chân bám chặt vào đất quê hương, một tay cầm mũ rơm một tay dơ cao ống ngắm, cặp mắt nhìn xa xăm như muốn đưa máy bay địch vào huyệt chết.
Đến thăm Tượng đài Lão dân quân Anh hùng du khách như được sống lại những năm tháng oanh liệt của dân tộc và tự hào hơn về thế hệ ông cha ta. Đây thực sự là một công trình có ý nghĩa lịch sử, nơi tưởng nhớ chiến công, tri ân các lão dân quân của quê hương Hoằng Hóa và giáo dục các thế hệ về truyền thống yêu nước của dân tộc ta.
Di tích lịch sử cách mạng Cồn Mã Nhón
Nơi đây ghi nhận sự kiện bắt sống viên tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 lính Bảo An, mở đầu cuộc tiền khởi nghĩa từng phần - cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong tỉnh và trong cả nước. Ngày 24/7/1945 trở thành ngày truyền thống của huyện Hoằng Hóa và là một dấu son không bao giờ phai mờ trong tâm thức của cán bộ và nhân dân Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Di tích được UBND huyện đầu tư xây dựng Nhà truyền thống, nhà bia, khuôn viên và các công trình phụ trợ hàng chục tỷ đồng để ghi nhớ sự kiện lịch sử hào hùng của nhân dân Hoằng Hóa và là nơi giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
Di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây
Cùng với di tích Cồn Mã Nhón, di tích Cồn Ba Cây là địa điểm lịch sử cách mạng quan trọng.
Nơi đây, ngày 24/7/1945 dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã diễn ra cuộc chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, táo bạo của các chiến sỹ tự vệ và nhân dân, bắt sống tri phủ và đơn vị bảo an binh, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Đây là thắng lợi đầu tiên mở màn cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Khê
Là nơi thờ hai vị thần Chu Minh, Chu Tuấn đã có công phù trợ vua Lý dẹp giặc. Là một công trình kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo và tiêu biểu đã được Lê Quý Đông đánh giá là “ tiếng nức cõi Thanh” có một không hai so với những ngôi đình ở Thanh Hóa thuộc thế kỷ XVIII.
Đến với Đình Phú Khê có thể nhận thấy nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của Đình có giá trị nghiên cứu điển hình cho văn hóa truyền thống dân tộc, một truyền thống mà “ Một nhà: chồng đề xướng – vợ hòa theo. Trên thuận hòa – dưới thân cận”.
Phòng VHTT-DL (Theo nguồn Thanh Hóa 24h)
- DTLS CỒN MÃ NHÓN ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ
- Chùa Trào Âm xã Hoằng Lưu
- Di tích đền thờ Tương quân Lê Văn Thâu và quận công Lê Văn Luận
- Di tích lịch sử Nhà thờ Nguyễn Quỳnh xã Hoằng Lộc
- Tướng quân Nguyễn Phan
- Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích trên đất Hoằng Đạt
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp Tướng công Bùi Khắc Nhất
- Di tích Quốc gia Bảng Môn Đình xã Hoằng Lộc
- Tướng quân Lê Viện xã Hoằng Thành
- Di tích từ đường họ Lương xã Hoằng Lưu