Xã Hoằng Xuân – khai mạc lễ hội Phủ Vàng năm 2024.
Sáng ngày 9/4/2024 (tức ngày 1/3 năm Giáp Thìn), tại núi Chùa làng Vàng, Ban Quản lý di tích Phủ Vàng xã Hoằng Xuân đã tổ chức khai mạc lễ hội Phủ Vàng năm 2024.
Về dự lễ hội Phủ Vàng Linh Từ có đồng chí Lê Văn Phúc – Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí đại diện một số Ban xây dựng Đảng Huyện ủy, lãnh đạo các ban, phòng, ngành, đoàn thể huyện; đại diện cấp ủy – chính quyền – các ngành, đoàn thể các xã cụm KTXH số 1, một số xã cụm KTXH số 2; Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hoằng Hóa; nhân dân trong xã, các xã lân cận và con em xa quê của xã Hoằng Xuân cũng đã về dự lễ hội.
Khai hội Phủ Vàng là chương trình văn nghệ đặc sắc với những làn điệu chèo văn, dân ca, ca mới; dàn trống hội của CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê xã Hoằng Phú.
Đồng chí Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND xã khai mạc lễ hội
Được biết: Từ xa xưa, Phủ Vàng không chỉ là nơi để người dân Hoằng Xuân hướng vọng tâm linh mà còn địa điểm thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương trong vùng lân cận quanh ngã ba Bông về tỏ lòng hướng vọng tới đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 18, Phủ Vàng tọa lạc trên núi Chùa làng Vàng xã Hoằng Xuân, Phủ thờ đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một vị nữ thần duy nhất trong 4 vị thần “Tứ bất tử” của Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại: Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp giặc Thanh, tới Phủ Vàng cho quân dừng chân nghỉ ngơi và vào phủ dâng hương kính lễ, được Thánh Mẫu báo mộng, bày kế sách đánh giặc nên đã thu được thắng lợi. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua, lấy niên hiệu Quang Trung đã tri ân thánh Mẫu và ban sắc phong là: “Đệ Nhất Liễu Hạnh công chúa sắc tặng gia phong Mã vàng Bồ Tát Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương tối linh thần” và lập đền thờ trên núi Chùa làng Vàng xã Hoằng Xuân với phong cảnh nên thơ hữu tình, tụ khí linh thiêng của đất trời. Lễ hội Phủ Vàng là đại lễ khánh tiệc Mẫu đệ nhất Liễu Hạnh - Mẫu thủ đền Phủ Vàng linh từ.
Đồng chí Lê Văn Phúc – Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh trống khai hội
Tại lễ khai mạc, đồng chí Lê Văn Phúc – Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện đã nổi trống khai hội. Tiếng trống khai hội Phủ Vàng hoà trong không gian linh thiêng của đất trời nơi cửa Phủ, mở đầu cho nhiều hoạt động văn hoá tâm linh ý nghĩa, mang đậm bản sắc dân tộc trong lễ hội Phủ Vàng.
Năm 2024, lễ hội Phủ Vàng được tổ chức theo thông lệ – từ ngày 9/4 đến hết ngày 11/4 (tức ngày 1/3 đến ngày 3/3 năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, đậm nét văn hoá cổ truyền của dân tộc. Trong đó, sau lễ khai mạc sẽ diễn ra chương trình văn nghệ giao lưu giữa 11 làng văn hoá và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã Hoằng Xuân. Trong các ngày tiếp theo, du khách đến phủ Vàng, ngoài tìm hiểu nét đẹp trong không gian văn hoá của đạo thờ Mẫu nơi đây, còn được hòa mình trong các hoạt động như: hội thi nấu cơm, các làng văn hoá trong dâng lễ cúng mẫu, các đội tế, các bản hội hầu đồng.
Phủ Vàng nằm trên núi Chùa – làng Vàng, hướng xuống dòng sông Mã là điểm đến sinh hoạt tâm linh không chỉ của người dân trong xã mà còn cả du khách thập phương. Về phủ Vàng xã Hoằng Xuân trong những ngày lễ hội, không chỉ tham dự lễ hội du khách còn được thưởng lãm cảnh đẹp sơn thủy hữu tình - nơi đứng chân của di tích.
Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL
- DTLS CỒN MÃ NHÓN ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ
- Chùa Trào Âm xã Hoằng Lưu
- Di tích đền thờ Tương quân Lê Văn Thâu và quận công Lê Văn Luận
- Di tích lịch sử Nhà thờ Nguyễn Quỳnh xã Hoằng Lộc
- Tướng quân Nguyễn Phan
- Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích trên đất Hoằng Đạt
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp Tướng công Bùi Khắc Nhất
- Di tích Quốc gia Bảng Môn Đình xã Hoằng Lộc
- Tướng quân Lê Viện xã Hoằng Thành
- Di tích từ đường họ Lương xã Hoằng Lưu