QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

CỒN BA CÂY XÃ HOẰNG THẮNG

Đăng lúc: 16:13:46 23/11/2024 (GMT+7)

Mỗi độ thu về, âm hưởng hào hùng của ca khúc 19 tháng 8 vang lên như nhắc nhở chúng ta luôn tự hào về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam - Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Với niềm tự hào, chúng tôi tìm về huyện Hoằng Hóa, nơi đã được Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá có cuộc khởi nghĩa đầy sáng tạo, trọn vẹn và rất táo bạo, xứng đáng là lá cờ đầu của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa".

 Về những “địa chỉ đỏ” Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Hoằng Hóa

Bức phù điêu mô tả trận chiến đấu đầu tiên của các chiến sĩ tự vệ Thắng – Đạo bắt sống tri phủ Phạm Trung Bảo, cùng 12 tên lính bảo an ở Khu di tích lịch sử Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng.

Nhớ lại 79 năm về trước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng Hoằng Hóa, phong trào Việt Minh trong huyện từng bước được dấy lên thành cao trào mạnh mẽ, rộng lớn. Thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chỉ thị của Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Kíp sửa soạn khởi nghĩa”, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh Hoằng Hóa đã chớp thời cơ, chủ động triển khai hành động, kêu gọi các tầng lớp Nhân dân chuẩn bị vũ trang, nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Từ lời kêu gọi ấy, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành lớn nổ ra ở khắp các làng, tổng khiến kẻ địch tức tối và lo lắng.

Trước khí thế cách mạng lên cao ở Hoằng Hóa, ngày 23-7-1945, Tỉnh trưởng Thanh Hóa đã phái lực lượng lính bảo an gồm 34 tên do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ cùng tri phủ Hoằng Hóa phối hợp khủng bố phong trào cách mạng ở Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu)...

Nắm được âm mưu khủng bố của địch, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, kế hoạch tác chiến của tự vệ huyện được triển khai trong đêm 23-7. Tại Đằng Trung, một lực lượng gồm 12 chiến sĩ phục kích ở cồn Mã Nhón (Hoằng Đạo). Tại Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), tự vệ các thôn Hóa Lộc, Hải Châu, Hoàng Chung, Ngọc Long và các làng lân cận thuộc tổng Bái Trạch bố trí lực lượng chiến đấu tại các ngã ba đường, sẵn sàng đánh giặc.

Sáng 24-7-1945, toán lính bảo an gồm 22 tên được trang bị đầy đủ vũ khí do Quản Hiến chỉ huy từ phủ lỵ kéo qua chợ Quăng rồi thẳng đường Hà Đồ đến Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu). Khoảng 10 giờ sáng, khi đến đình Hoàng Chung, chúng tập trung củng cố đội hình nhằm tiến công vào Liên Châu - Hóa Lộc. Rất nhanh chóng, tự vệ ta đã bao vây bắc loa kêu gọi đầu hàng và xung phong vào đình, dùng mã tấu đánh giáp lá cà, bắt sống tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính bảo an.

Sau khi đập tan cuộc khủng bố của địch tại cồn Mã Nhón và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), buổi trưa cùng ngày, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã tổ chức cuộc mít tinh quy mô lớn với gần một vạn quần chúng và tự vệ cứu quốc tham gia tại cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng) để mừng chiến thắng và xét xử bè lũ Phạm Trung Bảo. Sau cuộc mít tinh, thừa thắng xông lên, lực lượng cách mạng đã tiến về chiếm phủ đường. Trước khí thế của cách mạng, không còn cách nào khác bọn lính và nha lại trong phủ phải hạ vũ khí đầu hàng, giao ấn chỉ cho chính quyền cách mạng vào ngày 24-7-1945.

Cũng chính ngày 24-7-1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã tổ chức cuộc họp hội nghị cán bộ Việt Minh toàn huyện tại xã Hoằng Đạo để thành lập ủy ban dân tộc giải phóng làm nhiệm vụ giải tán chính quyền còn lại ở các cơ sở và hoạt động ở các địa phương. 

Về những “địa chỉ đỏ” Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Hoằng Hóa

Di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây (Hoằng Thắng).

Niềm tự hào về mùa thu cách mạng năm 1945 là động lực để chính quyền và Nhân dân Hoằng Hóa tiếp tục tham gia và chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoằng Hóa có gần 4.000 con em lên đường gia nhập bộ đội, công an và trên 920 con em gia nhập thanh niên xung phong. Toàn huyện có 13 gia đình có từ 2 con trở lên tham gia lực lượng vũ trang, trên 5 vạn lượt dân công phục vụ tiền tuyến, nổi bật là tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiếm tới 1/6 lực lượng dân công của tỉnh.

Hành trình về nguồn của chúng tôi đi qua các địa danh Khu Di tích lịch sử Cồn Mã Nhón (Hoằng Đạo), đình Liên Châu (Hoằng Châu), Di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây (Hoằng Thắng)... 79 năm trôi qua, huyện Hoằng Hóa đã đổi thay nhiều. Đến với các "địa chỉ đỏ” trong những ngày này, chúng tôi được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước. Đồng thời qua mỗi câu chuyện lại thêm một lần nhắc nhớ chúng tôi, những thế hệ hôm nay và mai sau lòng tự hào về quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Truy cập
Hôm nay:
11322
Hôm qua:
14477
Tuần này:
11322
Tháng này:
409371
Tất cả:
16057903