Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích trên đất Hoằng Đạt
Vốn dòng dõi nhà Lê, là cháu đời thứ 5 của vua Lê Hiến tông, quê nội ở Vĩnh Lộc nhưng Lê Ngọc Xích lại sinh ra ở trên đất quê ngoại làng Hạ Vũ, nay thuộc xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa). Lớn lên trong giai đoạn chính trị bất ổn với những tranh giành quyền lực, đất nước bị chia cắt và các cuộc chiến tranh xảy ra triền miên, song ông vẫn giữ được sự thanh liêm, trung thực, hết lòng vì sự nghiệp trung hưng nhà Lê.
Khu lăng mộ Lê Ngọc Xích mới được con cháu tôn tạo.
Gia phả của dòng họ Lê Ngọc có chép: Thân mẫu Lê Ngọc Xích là Trịnh Diễn người xã Hà Dương, tổng Bút Sơn, nay là xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa). Bà là người hiền lành, mến chuộng Phật pháp, sau một thời gian cầu tự ở chùa, bà đã sinh người con trai và đặt tên là Lê Ngọc Xích (nghĩa là ngọc trai đỏ). Gia đình rất yêu quý cậu con trai cầu tự, có bao nhiêu của cải, vườn tược ở quê nội và quê ngoại đều cho Lê Ngọc Xích. Lê Ngọc Xích còn có bố nuôi là Nguyễn Thiêm, một người rất giỏi binh thư, võ nghệ. Ông là một trong những công thần thời Lê trung hưng, được phong nhiều chức tước quan trọng của triều đình.
Lê Ngọc Xích (1568-1640) là người trí dũng song toàn và có tài thao lược nên nhiều lần được triều đình nhà Lê cử đi đánh nhà Mạc. Do lập được nhiều chiến công, năm Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) đời vua Lê Thần tông, ông được triều đình phong chức Dương vũ uy dũng công thần, tước Bá. Sau đó ông tiếp tục được phong chức Tổng kiểm tri và vinh phong Dương vũ uy dũng Tán trị công thần đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân và bổ nhiệm chức Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ, tước Hầu.
Ông Lê Ngọc Dũng, hậu duệ Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích giới thiệu về những đồ thờ do con cháu cung tiến về đền.
Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Đức Long thứ nhất (1629), Lê Ngọc Xích được triều đình cử dẫn quân lên Cao Bằng trấn áp tàn quân nhà Mạc. Dưới sự chỉ huy của ông, quân triều đình đã giành được nhiều thắng lợi. Khi trở về, ông được phong chức Điện tiền Đô hiệu điểm Ty hữu. Đến năm Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634), ông lại cùng con trai là Lê Ngọc Đại đưa quân lên Cao Bằng đánh dẹp tàn quân nhà Mạc. Trở về, ông được phong chức Tham đốc thần vũ tứ vệ quân vụ sự; Lê Ngọc Đại được phong chức Đại phu Lang trung bộ hình thượng khanh...
Có những câu chuyện các thế hệ con cháu trong dòng họ được truyền lại rằng: Khi ông đóng quân ở vùng Kinh Bắc có 23 người bị vu cáo vi phạm việc quân, ông đã lấy lòng khoan hòa xử lý nên mọi người tôn kính ông. Và còn nhiều câu chuyện được các tài liệu của dòng họ Lê Ngọc ở Hoằng Đạt ghi lại nhằm ca tụng ông tổ Lê Ngọc Xích.
Về thôn Hạ Vũ 1, chúng tôi gặp ông Lê Ngọc Dũng, trưởng tộc họ Lê Ngọc và là hậu duệ đời thứ 12 của Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích. Ông cho biết: Năm 1992, đền thờ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Song, do được xây dựng trước đó hàng trăm năm nên đền thờ xuống cấp, vì thế năm 2014, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, con cháu trong dòng họ đã cùng nhau tôn tạo, trùng tu di tích.
Đền thờ hiện còn giữ 4 sắc phong. “Đây là nguồn tư liệu quý để cháu con tìm hiểu hơn về công trạng của cụ tổ. Dòng họ Lê Ngọc là dòng họ lớn ở trong thôn nói riêng và trong xã nói chung. Hiện tại, chỉ tính riêng trên địa bàn xã, dòng họ có 150 đinh".
Ngoài đền thờ, khu mộ của Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích nằm cách đó không xa cũng được con cháu đóng góp xây dựng. "Đây là đất cụ tổ được vua ban, vì thế không gian của khu mộ thoáng đãng và rộng rãi. Hằng năm vào ngày 26/4 âm lịch, con cháu trong dòng họ cùng tề tựu trở về làng để thắp hương cúng cụ. Không gian thiêng này không chỉ thể hiện vai trò và công trạng của cụ Lê Ngọc Xích mà còn là sự tri ân cụ; đồng thời cũng là lời nhắc nhở, niềm mong mỏi các thế hệ tiếp theo từ cuộc đời và sự nghiệp cụ mà cố gắng học hỏi để thành tài", ông Lê Ngọc Dũng chia sẻ.
Đền thờ Thượng tướng quân Văn tuấn hầu Lê Ngọc Xích ở thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).
Hoằng Đạt gần trung tâm huyện Hoằng Hóa, cách thị trấn Bút Sơn chừng 3,5km. Trước năm 1945, nơi đây thuộc xã Hà Dương, tổng Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung. Sau quá trình chia tách, vùng đất trù mật này vẫn được người dân giữ gìn các nghề truyền thống và các giá trị văn hóa. Ngoài nghề nông nghiệp, đánh cá trên sông, người dân còn có nghề phụ như trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, nghề đan thuyền thúng... Những năm gần đây, các nghề xây dựng, nghề mộc, nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ thương mại ngày càng phát triển, tạo nhiều việc làm cho lao động trong xã.
“Nhắc đến Hạ Vũ là nhắc đến một làng nghề mộc truyền thống xuất hiện từ thế kỷ XVI, các sản phẩm của làng nghề tinh xảo và mang bản sắc riêng nhờ đôi bàn tay khéo léo của người thợ trong từng nét chạm trổ. Với niềm tự hào đó, người dân trong thôn đã quyết tâm xây dựng và đã được công nhận là thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã năm 2021. Đóng góp vào thành tựu của xã, của thôn, dòng họ Lê Ngọc luôn đi đầu. Phát huy truyền thống hiếu học, hiện tại dòng họ đã xây dựng được các loại quỹ khuyến học hàng năm trao thưởng cho các cháu đạt kết quả tốt trong học tập, gia đình khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vươn lên. Ngoài ra, dòng họ Lê Ngọc còn có các quỹ thăm hỏi ốm đau và mai táng phí”, ông Hoàng Hữu Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết.
Cuộc đời Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích vẫn còn nhiều bí ẩn, nhiều tài liệu chưa được tìm hiểu, giải mã. Song, từ khi trưởng thành đến khi từ giã cõi đời, ông luôn sống thanh liêm, hết lòng vì mọi người, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.
Bài và ảnh: CHI ANH- Báo Thanh Hoá
- DTLS CỒN MÃ NHÓN ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ
- Chùa Trào Âm xã Hoằng Lưu
- Di tích đền thờ Tương quân Lê Văn Thâu và quận công Lê Văn Luận
- Di tích lịch sử Nhà thờ Nguyễn Quỳnh xã Hoằng Lộc
- Tướng quân Nguyễn Phan
- Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích trên đất Hoằng Đạt
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp Tướng công Bùi Khắc Nhất
- Di tích Quốc gia Bảng Môn Đình xã Hoằng Lộc
- Tướng quân Lê Viện xã Hoằng Thành
- Di tích từ đường họ Lương xã Hoằng Lưu