ĐỀN THỜ THÁI BÁO THỌ QUẬN CÔNG CAO TƯ
Đền thờ Thái Bảo Thọ Quận Công Cao Tư Làng Hoằng Lọc - Thị trấn Bút Sơn - Hoằng Hóa - Thanh Hó
Đền thờ Thái Bảo Thọ Quận Công Cao Tư là nơi thờ tự ghi nhớ công đức nhân vật có công với đất nước, với nhân dân,dòng họ, bản làng. Di tích ngoài tên gọi chính ra còn có một tên gọi khác là tên gọi khác là đền thờ Quan Quận Cao Thái Bảo. Ông là một ông thần làm quan dưới triều Lê Trung Hưng đã có công giúp triều đình bình định xã tắc, nhân dân an cư lập nghiệp.Khi chết dòng tộc tiếc nuối, nhân dân ghi tạc công đức, triều đình nhớ tới công ơn, ban tặng sắc phong cho phép lập đền thờ tự.
Tên gọi thứ hai xuất phát từ cách gọi tắt, gọi tránh, theo tước, không có gì khác so với tên gọi chính.
Di tích nằm trên địa bàn làng Hoằng Lọc, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm xưa thuộc thôn Thọ Lộc, xã Bút Sơn, tổng Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa. Năm 1953 trước thời cải cách ruộng đất, thực hiện chủ trương của Nhà nước về chia tách quản lý các đơn vị hành chính, thôn Thọ Lộc được đổi thành làng Hoằng Lọc (tên Nôm là làng Cả) xã Hoằng Phúc.
Hoằng Lọc là một làng nằm gần thị trấn huyện Hoằng Hóa, vị trí cảnh quan thiên nhiên nơi đây tương đối đặc biệt, bước vào trong làng chúng ta thấy những hàng dừa cao vuốt, che mát cho đường làng, môi trường xung quanh. Có thể nói rằng, Hoằng Lọc là một làng cổ, từ thời kỳ đã có cư dân đến đây khai phá, các dòng họ sinh sống từ xóm Chài nằm cạnh bờ sông Ngu Giang dần dần phát triển đóng thành làng bản.
Làng Hoằng Lọc lại là một vùng đất có hệ thống giao thông thuận tiện. Trong làng ngoài việc sản xuất nông nghiệp, còn có nhiều người làm các việc mộc. ngỏa, buôn bán, trồng dâu nuôi tằm,đan đệm chiếu cói...
Trong hai cuộc kháng chiến, người dân làng Hoằng Lọc đã đóng góp nhiều công sức trong việc "bình tặc phục quốc". Là quê hương có truyền thống cách mạng, trước năm 1945 khi phong trào Cần Vương nổ ra, ở địa bàn làng Hoằng Lọc, một địa danh giáp với huyện lỵ Hoằng Hóa, hơn nữa lại gần với Hoằng Đức quê hương của chủ súy Nguyễn Đôn Tiết trong khởi nghĩa Cần Vương. Nhiều người đã tham gia phong trào cách mạng chống Pháp đánh thành Thanh Hóa, cướp huyện lỵ Hoằng Hóa. Sau này có ông Cao Văn Hòe đi theo cách mạng hoạt động từ những năm 1939 1949 bị giặc Pháp bắt, trốn được tù trở thành người có chức tước địa vị như: Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Quảng Ninh- Hải Phòng, sau này lên làm thứ trưởng quyền trưởng ban Nông nghiệp Trung ương.
Trải dài trong tiến trình lịch sử phát triển người dân làng Hoằng Lọc đã kiến tạo nên nhiều công trình văn hóa vật chất như Đền thờ quan Thái Bảo, Đình thờ Thành Hoàng chùa Kim, chùa Lệ
Hàng năm vào những ngày đầu xuân, nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hội, vui chơi ca hát, tạo nên không khí đầm ấm yên bình trong làng bản.
Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, dọc theo Quốc lộ 1A đi Hà Nội, đến đầu cầu Tào Xuyên rẽ theo đường liên huyện xuống thị trấn Bút Sơn, qua Trung tâm văn hóa khoảng 500 m rẽ phải đi đến địa phận di tích. Di tích nằm ngay trong làng, trên thửa đất hình mục cục (vuông), xung quanh có hồ, cây cối tạo cho quang cảnh nơi đây mát mẻ, đẹp đẽ lạ thường.
II. NỘI DUNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
Theo sách "Thanh Hóa chư thần lộc" thì thôn Thọ Lộc huyện Hoằng Hóa thờ Thái Bảo Thọ Quận Công. Về lai lịch tiểu sử của ông, căn cứ vào cuốn Cao tộc gia phả và lời kể của các cụ cao niên trong làng thì: Thái Bảo Thọ Quận Công Cao Tư là một người xuất than từ dòng dõi khoa quan kế phát, ông nội là Cao Quý, làm quan giữ chức Phụ Quốc thượng tướng quân, Đô đốc Đồng Tri, chức Thái Bảo, tước Gia Mỹ hầu, tên thụy là Thịnh Đức Phủ Quân. Cha là Cao Tán làm quan triều Lê Trung Hưng, giữ chức Phụ Quốc thượng tướng quân, Đô đốc Đồng Tri, tước Diễn Khánh hầu, tên thụy là Thành Phúc.
Căn cứ theo lời tựa trong tộc phả họ Cao, ông thuộc hậu duệ. Nguyên gốc ở xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang, phủ Thuận Yên (nay là Hưng Yên), xứ Kinh Bắc.Đây là một làng nổi tiếng về nghề nhuộm dệt vải. Vải nhuộm ở đây được lưu hành rộng rãi thong dụng khắp muôn phương. Trong tộc họ Cao đã có lần được triều đình ban tặng tiền bạc 10 lạng. Nghề làm vải rất chính phát, nhờ đó trong tộc họ mới vào kinh kỳ mở quán buôn bán ở số nhà 18.
Vào triều Lê xưa, tộc họ bắt đầu có người đỗ hương cống (cử nhân triều Nguyễn) được triều đình cho phép ban cho việc may áo quần cho các quan ở Quốc Tử Giám và các loại áo hầu, áo tế lễ. Phàm quần áo dùng trong vương phủ lúc đó đều giao cho may, kể cả áo cát lễ, quan miếu. Ở các tỉnh như Phúc Bình - Quang Nam - Đông Triều đều tìm đến mua vải, may sắm quần áo, coi vải vóc như châu báu ngọc ngà. Việc đó làm nổi tiếng quê hương gấm vóc Hoa Cầu họ Cao.
Tộc họ thuở ấy có cụ Thủy tổ cung là một nhân vật thân thiện trong làng, ông có một gian nhà nhỏ buôn bán, lo công việc ở quê hương cùng bà con. Nghe truyền ở xã Bút Cương (sau đổi Bút Sơn) huyện Hoằng Hóa, xứ Thanh Hoa là một nơi đất đẹp đẽ làm ăn sinh sống, bèn cùng gia đình di cư về phương Nam nhập canh ở xã Bút Cương (nay ở ngõ cam vẫn còn Cổ Năng và Bái Châm là dấu vết cũ để lại cho họ) thật lớn lao thay nay đã xa quá rồi.
Cụ Tổ dời về bản xã gây tạo nên nền móng, một long tích thiện, nhờ vào đó mà nhà được giàu có. Ông sinh ra 2 trai, trưởng không rõ, thứ là Cao Tán.
Như vậy nếu xét về đời thứ ông Cao Tán là cha Thái Bảo Thọ Quận Công Cao Tư, vậy thì người đem gia quyến vào xứ Thanh Hoa, huyện Hoằng Hóa, xã Bút Sơn là ông Cao Quý. Đối chiếu trong phả chúng tôi thấy ông Cao Quý là hậu duệ đời tổ thứ 2 ông Thủy tổ dòng họ Cao tên là Tín Mỹ.
Theo lời kể các cụ và đối chiếu với lịch sử chúng tôi thấy ông Cao Quý chạy vào xã Bút Cương không phải với mục đích buôn báu vật mà do thời thế loạn lạc chạy vào Thanh Hoa hành nghề nhuộm vải. Lúc bấy giờ ông Cao Quý đang là một mệnh quan của triều đình Lê Sơ, giữ chức Thượng tướng quân Đô đốc Đồng Tri, chức Thái Bảo tước Gia Mỹ Hầu. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê năm 1528 ông mới chạy vào Thanh Hoa tránh loạn nhà Mạc. Đến đời cha Cao Tư là Cao Tán, nhà Lê Trung Hưng nổi lên, ngọn cờ "phò Lê diệt Mạc" nổ ra khắp cả nước. Ông Cao Tán ra làm quan và trở thành mệnh quan của vua Lê, giữ chức Thượng tướng quân được phong hàm Thái Bảo, tước Diễn khánh hầu. Sau này nhà Mạc đánh mạnh ra Thanh Hoa, các cuộc tử chiến giữa hai tập đoàn Lê Mạc liên tiếp xảy ra, đặc biệt là Hoằng Hóa, trên hai sông, sông Mã và sông Ngu Giang. Hơn nữa làng Bút Cương lại là quê hương nằm ở phía bên hữu bờ Ngu Giang đổ nguồn ra biển, do đó chịu nhiều ảnh hưởng công cuộc hỗn chiến nồi da nấu thịt đó. Đã có thời kỳ theo truyền thuyết nhân dân làng Thọ Lộc kể lại gia đình nhà ông lúc đó rất nghèo khó, hai mẹ con sống ở cầu Hiền (đồng Cao) làm nghề bán hàng nước, khách qua đường ai có tiền, không có tiền đều bán và cho uống. Ngày thường Cao Tư dành cho mẹ ngủ còn mình nằm ổ rơm. Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng bà chuyên tâm vào việc làm điều phúc thiện, dạy con biết làm điều đúng sai, làm điều đức độ. Khi ông trưởng thành, cho đi tòng binh. Nhờ vào con cháu dòng dõi, lại vốn có bản tính thông minh, mạnh khỏe, vào khoảng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1626) Đại nguyên soái tổng quốc chính Trịnh Tráng mở khoa thi võ chọn người khỏe mạnh cường tráng ra phò vua giúp nước. Trường thi tổ chức 3 môn "đấu voi, đấu hổ, xách tạ".
Đấu voi, khi ra đấu, gặp lúc ruồi đậu vào mắt voi, ông dùng gậy sất, đập mạnh vào vòi, voi tháo chạy.
Đấu hổ, nhà chúa đột ngột thả hổ từ trong chuồng xông ra ông đánh phủ đầu 3 cái hổ sợ không ra nữa.
Xách tạ, khi thi ông xách tạ đi hàng trăm thước.
Qua ba lần thi ông đều vượt qua, đạt điểm được vào triều cầm nắm quân sĩ.Từ khi trở thành mệnh quan của triều đình, ông tỏ ra là một bậc quan thanh liêm ngay thẳng, sử sách còn ghi lại vào năm Đức Long thứ 2 (1630) vua cho kiểm duyệt các quan, phần lớn ở thế quyền uy
., chỉ có bọn Nguyễn Trừng (người Ngọc Bôi Đông Sơn) Cao Ty là ngay thẳng, đáng được khen thưởng.Đại Việt sử ký toàn thư. Tập III Bản kỷ 18 - 27b nhà XBVHTT 2000. Không những là một bậc quan thanh liêm, lo cuộc sống cho dân ở chốn quan trường, ông còn là một võ tướng tài giỏi, nhiều lần cùng với Đô đốc tướng tiết chế thủy bộ chủ doanh kiêm tổng nội ngoại, Bình chương quân quốc trọng sự, phó trướng quốc chính, Thái úy Sùng Quốc công Trịnh Kiều, vâng lệnh của Đại nguyên soái Tổng quốc chính sự Thanh Đô Vương đem quân đi lược định Thuận Hóa - Quảng Nam các nơi vào năm Đức Long thứ 5 (1635). Nhiều lần ông theo quân vượt qua mọi hiểm trở, phò giá phá trận, có năng lực soái lĩnh tính toán thủy binh xông lên trước trận, đáng là bậc có công nhiều lần.
Sau này ông được thăng chức Tả Đô đốc, đáng là bậc Trung Hưng dương võ uy dũng công thần, đặc biệt tiến phong phụ Quốc thượng tướng quân, Nam Quân Đô đốc phủ tả Đô đốc, tước thọ Quân Công, sau vài năm tặng hàm Thái Bảo.
Khi về trị sứ tại quê nhà, ông bỏ tiền giúp dân tu sửa văn chỉ, vũ chỉ, xây dựng đền miếu, ổn định đời sống cho nhân dân. Lúc mất nhân dân dòng tộc thương tiếc, triều đình ban tặng sắc văn truy phong ông tước Đại vương, cho phép 8 thôn xã ở xung quanh khu vực thôn Thọ Lộc hội tế rước sắc, đồng thời ban cho 8 xã 7 thôn phụng thờ. Đất công bãi cát là 18 mẫu. Đền thờ ông lập ngay ở địa phận làng, phía đầu cầu Hiền giáp địa phận đất Bái Ninh.
Như vậy ta có thể thấy Cao Tư là một nhân vật có công đức lớn với nhân dân, với quê hương Hoằng Hóa. Tên tuổi ông được mãi mãi nêu trong sử sách lưu truyền hậu thế, đời đời con cháu kính phục và được 8 xã 7 thôn trong địa phận đất Hoằng Hóa thờ phụng.
III. KHẢO TẢ DI TÍCH
Đền thờ Thái Bảo Thọ Quận Công trước đây nằm ở đầu cầu Hiền gần quán nước, hai mẹ con sinh sống bán hàng thuở xưa. Di tích được xây dựng khang trang rộng lớn với kiến trúc đồ xộ, chạm khắc tinh vi, mang nhiều nét truyền thống tạo tác của từng giai đoạn lịch sử, trải dài theo lịch sử hình thành phát triển, do chiến tranh phá hoại, đặc biệt là sự phân bố dân cư trong giai đoạn mới, sự xâm cư trong bản quê, di tích cũ bị xâm lấn mất. Ngưỡng mộ tài đức công lao của ông, tập thể nhân dân làng Hoằng Lọc xã Hoằng Phúc đã cho tu tạo lại một ngôi đền nhỏ trên một tiết diện không gian hài hòa bao gồm: 1 ngôi đền 3 gian kiến trúc gỗ, có kích thước nhỏ, kết cấu theo kiểu tường hồi bít đốc, phía trên lợp ngói. Phía trước đều là tiền đường, nhân dân gọi là nhà văn hóa làng và là nơi hội họp, tế lễ, vào các kỳ tiết khánh. Tiền đường được làm 5 gian, trên nóc có đắp hình lưỡng long chầu nhật, nóc lợp ngói, xung quanh xây tường bao. Toàn bộ kiến trúc theo kiểu hình chữ Nhị, nối với hậu điện là sân, hai bên có dựng bia ghi tên các liệt sỹ và tên tuổi chức sắc quan lại trong làng trước đây. Trước sân tiền đường là cổng nghênh môn, cổng được làm theo lối mái cong, gồm 3 cửa ra vào, cửa tương đối đẹp, thiết kế bố cục vừa phải, hợp với cảnh quan thiên nhiên môi trường và địa thế di tích.
Thống kê hiện vật:
Di tích còn lại những hiện vật sau:
- Giao phả họ Cao (chữ Hán)
- Sự tích họ Cao ( chữ Hán)
- Các đạo sắc văn giao chéo trong phả (chữ Hán)
- Lệnh chỉ sao (chữ Hán)
- Ngai thờ gỗ
- Hương án gỗ 3 cái
- Long ngai gỗ 1
- Chấp sự đồng
-Và một số hiện vật khác
* Phương án bảo vệ:
Di tích đền thờ Thái Bảo Thọ Quận Công Cao Tư là nơi thờ tự, tưởng niệm người có công với nước: Trải qua năm tháng lịch sử, di tích bị mai một tàn phá đi nhiều. Dưới sự mong muốn của Đảng ủy, Ủy ban, quần chúng nhân dân đã bỏ nhiều công sức, tiền của, thời gian tu tạo đền thờ khang trang, xứng đáng là nơi thờ bậc thần có công với dân với nước. Để tạo cơ sở pháo lý cho việc hướng dẫn tôn tạo, phát huy tác dụng tốt hơn, chính quyền nhân dân xã kính mong Sở văn hóa thông tin sớm ra Quyết định công nhận để địa phương có điều kiện quản lý, phát huy tác dụng, góp phần giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ./.
Phạm Hương - CC Văn hóa - Xã hội
- DTLS CỒN MÃ NHÓN ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ
- Chùa Trào Âm xã Hoằng Lưu
- Di tích đền thờ Tương quân Lê Văn Thâu và quận công Lê Văn Luận
- Di tích lịch sử Nhà thờ Nguyễn Quỳnh xã Hoằng Lộc
- Tướng quân Nguyễn Phan
- Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích trên đất Hoằng Đạt
- Vài nét về cuộc đời sự nghiệp Tướng công Bùi Khắc Nhất
- Di tích Quốc gia Bảng Môn Đình xã Hoằng Lộc
- Tướng quân Lê Viện xã Hoằng Thành
- Di tích từ đường họ Lương xã Hoằng Lưu