QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Đình Phú Vinh

Đăng lúc: 16:13:46 23/11/2024 (GMT+7)

Nằm ở trung tâm làng Phú Vinh (thị trấn Bút Sơn) đình Phú Vinh là công trình kiến trúc bề thế thời Nguyễn - nơi thờ Thành hoàng làng "Phù Vệ Đại vương Nguyễn Công Vũ" có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Di tích còn là địa điểm lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa.

 Đình làng Phú VinhĐình làng Phú Vinh đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Làng Phú Vinh trước đây thuộc xã Hoằng Vinh (sau khi sáp nhập, hiện nay thuộc thị trấn Bút Sơn), giáp với các làng Cự Lộc, Hòa Diên, Thanh Ngoạn (xã Hoằng Đồng). Theo sử liệu và lưu truyền dân gian, bấy giờ vùng đất này (được cho là gồm các xã Hoằng Thịnh, Hoằng Đồng, Hoằng Vinh) dù đã có con người đến cư ngụ song vẫn còn khá hoang sơ. Đến thời Trần, một người đàn ông tên Nguyễn Công Đàn từ phía Bắc đã tìm về, góp sức cùng với dân làng khai khẩn ruộng hoang. Ông Nguyễn Công Đàn có sức khỏe, lại giỏi võ nghệ và trượng nghĩa nên được người dân rất mực quý mến. Tại đây, ông kết duyên cùng bà Ngô Thị - một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, giỏi nghề tằm tơ, dệt vải. Chính bà đã có công dạy và truyền nghề cho người dân trong vùng.

Khi bà Ngô Thị đang mang thai thì ông Nguyễn Công Đàn phải ra trận đánh giặc Nguyên Mông xâm lược. Ở nhà, bà sinh được bốn người con trai. Vì kiệt sức nên sau khi sinh con, bà Ngô Thị đã qua đời.

Trong khi đó, nơi chiến trường khốc liệt, tướng quân Nguyễn Công Đàn cũng đang bị giặc vây hãm. Theo truyền thuyết dân gian và sách "Các nữ thần Việt Nam": Nơi chiến trường, đang lúc nguy khốn giữa vòng vây của giặc, tướng quân Nguyễn Công Đàn chợt nghe có tiếng chuông vang lên bên tai, rồi tiếng người nói trong gió, rằng: "Bớ lang quân hãy đánh ra, đã có thiếp dẫn đường". Cùng lúc đó, một bầy ong lớn từ đâu xuất hiện, xông vào kẻ địch khiến chúng hoảng loạn, thế trận bị phá. Nhân cơ hội đó, tướng quân Nguyễn Công Đàn dẫn quân phá vòng vây, đánh cho giặc tan tác, nhờ đó chuyển bại thành thắng. Tin báo về triều đình, chồng bà Ngô Thị được triều đình ban thưởng.

Sau khi giặc tan, đất nước thanh bình trở lại, ông Nguyễn Công Đàn vội vã tìm về quê nhà thì mới biết tin bà Ngô Thị sau khi sinh con đã qua đời. Ông tin rằng, trận chiến hôm trước là do người vợ sau khi qua đời đã linh ứng phù trợ để ông đánh thắng giặc. Vì thế, ông đã đặt tên cho bốn người con trai là Trường, Vũ, Chung, Minh với ý nghĩa nhắc nhớ về "tiếng chuông vang lên giữa chiến trường".

Sau khi lo xong việc gia đình, Nguyễn Công Đàn quay về triều. Theo sách Địa chí văn hóa Hoằng Hóa: "Trở lại triều, ông (tức tướng quân Nguyễn Công Đàn) cứ thực tình tâu với vua. Nhà vua cảm động, phong cho bà làm phúc thần, lại tặng cho hai chữ "Nương Nương" để làm duệ hiệu thờ cúng, còn bốn người con cũng theo con đường binh nghiệp của cha.

Trong số bốn người con ấy thì người con trai thứ hai tên Nguyễn Công Vũ nổi bật hơn cả. Ông theo cha đánh giặc, lập nhiều chiến công hiển hách, được triều Trần ban thưởng. Tuy nhiên, sau khi đất nước sạch bóng quân thù, ông xin với nhà vua được trở về quê nhà và xin ban cho vùng đất làng Phú Vinh ngày nay - gần với quê mẹ (Hoằng Đồng) để lập nghiệp. Không chỉ là vị tướng giỏi đánh trận, ông Nguyễn Công Vũ còn khéo léo, thạo nghề thủ công. Tại đây, ông đã dạy dân trồng trọt.

Người làng Phú Vinh tin rằng, ông Nguyễn Công Vũ đã đưa giống bông phù hợp với thổ nhưỡng về trồng tại địa phương. Từ đó, vừa có nguyên liệu để phát triển nghề thủ công kéo sợi - cung cấp sợi cho dân các làng Cự Lộc, Thanh Ngoạn, Hòa Diên (Hoằng Đồng) phát triển nghề dệt vải do mẹ ông - bà Ngô Thị truyền dạy. Chính nghề trồng bông kéo sợi lâu đời đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của làng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, là người khéo léo, giỏi nghề thủ công nên ông Nguyễn Công Vũ còn nghiên cứu, tìm tòi - khởi tạo nên nghề kéo rế (rế dùng để bắc nồi trong các gia đình người Việt xưa và nay) ở làng Phú Vinh?! Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, nghề kéo rế làng Phú Vinh đã nổi tiếng suốt hàng trăm năm qua.

Vì có công với đất nước và dân làng, sau khi qua đời, ông Nguyễn Công Vũ đã được triều đình ban sắc phong là "Phù Vệ Đại vương". Tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng Phú Vinh đã lập đình (đền) thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng.

Buổi ban đầu, do điều kiện kinh tế người dân còn nhiều khó khăn nên đình được dựng khá đơn sơ bằng tranh tre, nứa lá. Đến thời Nguyễn (triều vua Tự Đức) ngôi đình lớn bằng gỗ được dựng lên với quy mô bề thế, kiến trúc theo kiểu chữ "Đinh". Đình gồm 6 vì gỗ chính, 2 vì kèo ở hai đầu, được chống đỡ bởi hệ thống cột gỗ chắc chắn. Bên trong đình được chạm khắc các linh vật, hoa văn trang trí tinh xảo. Bấy giờ, đình Phú Vinh là một trong những ngôi đình lớn của huyện Hoằng Hóa.

Đình Phú Vinh là không gian thiêng nơi thờ Thành hoàng làng, cũng là địa điểm họp bàn các việc lớn, nhỏ của làng. Đặc biệt, trước Cách mạng Tháng Tám, đình Phú Vinh còn là nơi gặp gỡ bí mật của các vị cán bộ cách mạng để bàn kế hoạch đánh đuổi giặc Pháp. Để tránh không bị kẻ địch phát hiện, các cán bộ tiền khởi nghĩa đã tập trung về đình Phú Vinh, mượn cớ họp bàn tổ chức lễ hội để bàn kế hoạch khởi nghĩa, cùng với Nhân dân trong huyện Hoằng Hóa khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, do điều kiện cơ sở vật chất địa phương nhiều khó khăn, đình làng Phú Vinh lại trở thành nơi luyện tập quân sự và về sau là trường học cho các em nhỏ... Đi qua thời gian, lại bị chiến tranh tàn phá nên đình làng Phú Vinh đã hư hỏng nghiêm trọng.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, năm 2011 đình Phú Vinh đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm 2015, đình được tôn tạo trên nền móng cũ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.

DTại đình làng Phú Vinh hiện còn lưu giữ một số hiện vật, trong đó có chiếc chiêng cổ lâu đời. Di tích là nơi thờ Thành hoàng làng Phù Vệ Đại vương Nguyễn Công Vũ - vị "nhân thần" có công đánh giặc cứu nước và gây dựng cuộc sống tốt đẹp cho người dân trong làng. Hằng năm tại đình Phú Vinh diễn ra nhiều kỳ lễ lớn, nhỏ, mỗi kỳ lễ lại là dịp để người dân bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân công đức Thành hoàng làng.

Ghé thăm mỗi vùng đất, mỗi làng quê Việt Nam, lặng lòng trong những câu chuyện kể về quá trình lập làng, về những vị thiên thần, nhân thần... được Nhân dân tôn kính, lặng lẽ ngắm nhìn từng di sản ông cha để lại, ta thầm biết ơn tiền nhân trong nhọc nhằn mưu sinh đã không quên dày công gây dựng, vun đắp nên những giá trị văn hóa cho đời.

                                                                                            Phạm Hương - CC Văn hóa - Xã hội 

Truy cập
Hôm nay:
11011
Hôm qua:
14477
Tuần này:
11011
Tháng này:
409060
Tất cả:
16057592