QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Nghè Cáy xã Hoằng Phụ

Đăng lúc: 06:31:59 24/11/2024 (GMT+7)

Nghè Cáy xã Hoằng Phụ nằm trên đất của vùng Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ-Huyện Hoằng Hóa-Tỉnh Thanh Hóa. Nghe được xây dựng vào năm 1905, cái tên gọi Nghè Cáy là do vị trí Nghè nằm liền kề với bãi cáy lớn mà nhân dân trong vùng và các xã vùng ven biển thường tập trung về đây bắt cáy, nên nhân dân quen gọi và để dễ nhớ là Nghè Cáy.

 2.jpg

CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐƯỢC THỜ TRONG NGHÈ

1.     THỜ "SÁT HẢI ĐẠI VƯƠNG':

Theo "Địa chí văn hóa Hoằng Hóa' ghi Thần SÁT HẢI ĐẠI VƯƠNG thờ ở Nghè Cáy (Nghè làng Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ) như sau: Tên thật là Hoàng Tá Thốn, tên chữ là Hoàng Minh, Mỹ hiệu là Tô Đại Liêu, sinh ở làng Vạn Phần, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Mẹ Thần là người Họ Trương ở thôn Lý Trai, nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Truyền thuyết kể rằng. Trương Ph nhân một buổi sáng ra sông gánh nước, bỗng thấy hai con trâu từ dưới sông lao lên và nhào vào húc nhau trí tử, chúng lao đến chỗ bà, bà dùng đòn gánh đánh đuổi, tự nhiên hai con trâu biến mất nhưng một lông trâu dính vào chiếc đòn gánh rồi rớt xuống thùng nước, bà uống phải tức thì thấy trong người khác thường. Từ đó bà mang thai và ít lâu sau bà sinh ra một đưa bé khôi ngô, tuấn tú và bà đặt tên là Hoàng Tá Thốn.

Lớn lên Hoàng Tá Thốn có sức khỏe hơn người, vật giỏi, bơi lội tài, trong vùng không ai địch nổi. Nước nhà bị quân Nguyên Mông xâm lược, nghe theo lời kêu gọi của các bô lão, của Triều đình, Hoàng Tá Thốn rời quê hương lên đường Phù Vương diệt giặc. Những ngày đầu cầm giáo đánh giặc, ông được xung vào đội binh nhưng về sau một viên chỉ huy thấy ông thông minh, lắm cơ mưu lại có tài bơi lội nên bèn tiến cử lên Hưng Đạo Đại Vương và Hoàng Tá Thốn được  xung vào đội thủy chiến của nhà Trần, sau đó lại được chiêu làm “Nội thư gia”, giúp việc binh thư.

Tương truyền Hoàng Tá Thốn đã cùng với các chiến hữu của mình nhiều phen làm cho giặc khốn đốn như: Lặn xuống sông đụcngầm thuyền địch, sông pha bao trận đánh thủy, nhưng hơn cả là cuộc chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Về việc này văn bia của Họ Hoàng ở Yên Thành, Nghệ An ghi như sau: “đời Vua Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng Mậu Tý (1288) tướng Nguyên là Thoát Hoan và Ô Mã Nhi sang xâm lược Thăng Long. Tướng quân Hoàng Tá Thốn được cấp ấn phù thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền, phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân giặc, còn Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thì dùng tượng binh giáp kích”. Hoàng Tá Thốn vẫn dùng chiến thuật đục thuyền, quân Nguyên thua to, Thoát Hoan chạy trốn, Ô Mã Nhi bị bắt sống, tin vui báo đến Triều đình, Vua Trần Nhân Tông phong cho Hoàng Tá Thốn là “ SÁT HẢI CHÀNG LẠI ĐẠI TƯỚNG QUÂN”. Quân Nguyên ra khỏi bờ cõi Hoàng Tá Thốn được Triều đình nhà Trần cho làm Đại thống lĩnh các đạo Thủy Binh bảo vệ các vùng duyên hải ven biển.

Từ ngày làm tướng canh giữ miền biển Hoàng Tá Thốn đã tiêu diệt bao đám giặc biển, những lần quân Chiêm Thành sang quấy nhiễu hải phận của ta ông đều dẹp tan. Cùng với tài bơi lội và đục thuyền của mình, ông đã huấn luyện, truyền dạy cho bao binh sỹ về sau trở thành thiện chiến nơi sông nước

Trong một lần đi tuần thú đường biển ở Thanh Hóa đến cửa Lạch Trào, huyện Hoằng Hóa vào đúng ngày mùng một tết nguyên đán ông bị bệnh đột ngột từ trần. triều đình được tin cho thuyền trở linh cửu về an táng tại xã Van Phần, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cho lập đền thờ và tăng ông hiệu "SÁT HẢI TƯỚNG QUÂN, THIÊN BẢO NGUYÊN SOÁI CHI THẦN", đời Hậu Lê được gia phong "KIM PHONG ĐOAN TRỰC HOẰNG NGHỊ ANH LƯỢC QUANG Ý DỤC BẢO TRUNG, VỊ THƯỢNG THƯỢNG ĐẲNG TÔN THẦN, ĐỆ NHẤT TỐI LINH TỐI LINH ĐẠI VƯƠNG". Nhờ có công lớn lại chết ở địa phương nên nhân dân lập đền thờ để tỏ lòng thành kính với Thần ''Sát hải Đại Vương'' Hoàng Tá Thốn.

1.jpg

2.     THỜ CÁC VỊ THÀNH HOÀNG LÀNG GỒM:

1.1.         Thờ cụ Đề Khanh (tức Đỗ Hữu Khanh), sinh vào khoảng giữa thế kỷ XIX (từ năm 1830-1840) tại Xóm Cui, làng Tần Hỷ, tổng Chi Nê, phủ Hậu Lộc, Thanh Hóa-Nay là xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Người có công khai khẩn, mở mang bờ cõi vùng đất Bằng Trì xưa, nay là thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ

1.2.         Thờ ông tú tài Lê Quang Hạ: Ông sinh ra tại làng Vĩnh Trị, tổng Từ Quang, thuộc  xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa ngày nay di cư về tiếp quản và lập nghiệp tại làng Bằng Trì và duy trì thành dòng họ Lê Quang hiện nay tại thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ.

1.3.         Thờ ông Đàm Bằng Trỏi. (hay còn gọi là Thầy Ba, ông tổ của dòng họ Đàm ngày nay).

1.4.         Thờ ông Lê Cao Cảnh: (ông tổ của họ Lê Cao ngày nay)

1.5.         Thờ ông Cao Văn Hoạch: (ông tổ của họ Cao Văn ngày nay)

1.6.         Thờ ông Phạm Bá Oanh: (ông tổ của họ Phạm Bá ngày nay)

Theo “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” và “Gia phả” các dòng họ ghi lại như sau:

Vào giữa thế kỷ XIX, khu vực thôn Xuân Phụ ngày nay mới có người đến lập nghiệp, ban đầu có các ông Thầy Lang, ông Lý Miện, ông Thầy Đề, ông Võ, ông Quyền, ông Cai là những bạn điền tổ chức khoanh vùng xây dựng, trong đó đặc biệt có ông Thầy Đề thường gocij là Đề Khanh (tức ông Đỗ Hữu Khanh đang thờ trong di tích). Ở thời ấy, với học vị tú tài Hán học, ông Tú Khanh đã được bổ nhiệm là Đề lại tại huyện Hoằng Hóa (tương đương chức Chánh Văn phòng UBND huyện bây giờ). Bằng tầm nhìn của một quan chức cấp huyện, dưới góc độ kinh tế ông Đề Khanh đã sớm nhận ra một tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế và phù hợp với kinh tế nông nghiệp của vùng đất ven biển phía bắc Cửa Hới (Nay thuộc địa phận xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa), vì thấy đây là vùng đất có cả ngàn mẫu dư, cho nên ông đã đứng ra tổ chức các bạn điền đắp đê ngăn sông, lập ấp. Ông huy động mọi nguồn lực của bản thân, gia đình để triệu tập toàn bộ bà con nông dân các vùng trong huyện và các huyện lân cận đến vùng đất ven biển này để khai hoang lập ấp, lúc đầu gọi là ấp Bằng Trì, sau đổi tên thành làng Bằng Trì và nay là thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ. Nhưng 4 năm sau chưa thành thì ông được Triều đình điều chuyển đi công tác tại Thừa Thiên Huế ngày nay. Dốc công lớn trong việc khai khẩn đất hoang, mở mang ruộng đất để dân làng “kiếm kế sinh nhai”, vì vậy theo cách hiểu thời đó dân làng suy tôn ông là Thành Hoàng của làng, làm vè ca ngợi công đức của ông và đến khi ông chết đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn.

Thờ ông tú tài Lê Quang Hạ: Ông sinh ra tại làng Vĩnh Trị, tổng Từ Quang, thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa), xuống dạy học ở thôn Xuân Vi, xã Hoằng Thanh ngày nay). Sau khi ông Đề Khanh được chuyển đi công tác nơi khác, công việc đắp đê ngăn biển chưa thành, ông đã đứng ra làm đơn đề nghị với Triều đình bấy giờ xin được tiếp tục khai khẩn và được Triều đình Nhà Nguyễn đồng ý, ông đã cùng với những bạn điền tiếp tục tổ chức đắp đê ngăn mặn thành công. Lúc bấy giờ mới có 7 xuất đinh gồm: Ông Lê Quang Hạ, ông Đàm Bằng Trỏi (ông Thầy Ba), ông Cao Văn Hoạch, ông Lê Cao Cảnh, ông Phạm Bá Oanh, ông Cao Văn Hiệng, ông Thành. Làng mới được thành lập sát ra biển gọi là làng Đồng Bầu sau đổi thành làng Trung Nghĩa 1860 (tức năm Tự Đức thứ XIII) làng có 15 xuất đinh và đặt tên lại là làng Xuân Phụ.

Vì nhận thấy làng Xuân Phụ là vùng đất thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho nên năm 1884 ông Tú Hạ tên thật là Vũ Kế Xuân quê ở làng Phường Trì, tỉnh Ninh Bình đã cấu kết với Đạo Giáo và được quan lại Triều đình Nhà Nguyễn giúp sức chiếm đoạt ruộng đất, điền địa của nhân dân và đổi tên là làng Bằng Trì, bị tước mất ruộng đất, bị bóc lột và phải đi làm thuê, nhân dân trong làng đã vùng lên đấu tranh, đòi lại ruộng đất, quyền lợi cho nhân dân, tiêu biểu cho cuộc đấu tranh này là 5 ông gồm: ông Tú tài Lê Quang Hạ, ông Đàm Bằng Trỏi (ông Thầy Ba), ông Cao Văn Hoạch, ông Lê Cao Cảnh, ông Phạm Bá Oanh, đã làm đơn kiện lên Thượng vương và được Thượng vương Nhà Nguyễn ở Phủ Hà Trung phê “Đông quy đông, tây quy tây, nam quy nam, Bắc quy bắc”, Bằng Trì hoàn Bằng Trì”. Sau khi được Thượng vượng phê chuẩn, nhân dân trong làng rất phấn khởi đã cùng 5 ông vùng lê đấu tranh, đánh đuổi Vũ Kế Xuân dành lại điền địa để làm ăn sinh sống.

Nhớ công lao 5 ông, sau này nhân dân trong làng đã tổ chức dựng Nghè để thờ người có công và gọi các ông là Thành Hoàng làng, cũng chính từ  việc lập Nghè này mà các Thanh Hoàng và các vị thần được phối thờ đã ân phúc, phù hộ cho nhân dân trong làng nói riêng, nhân dân trong vùng nói chung ăn lên, làm ra, quang cảnh được phát triển sầm uất, học hành đỗ đạt, nhiều người thành danh và Nghè được duy trì và tồn tại cho đến ngày nay.

3.THỜ THẦN “TỨ VỊ ĐẠI VƯƠNG” (PHỐI THỜ)

Cũng theo “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa”: Thần TỨ VỊ ĐẠI VƯƠNG được thờ ở Nghè Cáy, xã Hoằng Phụ và cũng được thờ ở nhiều nơi khác trên địa bàn huyện Hoằng Hóa như Làng Hạ Vũ (Hoằng Đạt), làng Thọ Văn (Hoằng Phúc), Làng Xuân Vi (Hoằng Thanh), Làng Trung Ngoại (Hoằng Hải)…..

Sự tích vị thần này được sách ghi như sau: Năm Trần Hưng Long thứ 19 (1311), Vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh giặc Chiêm Thành, thuyền của ông đến cửa Càn Hải (thường gọi là cửa Cờn ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh  Nghệ An) dừng lại nghỉ ngơi. Đêm Nhà Vua mộng thấy thần nhân báo rằng: “Thiếp là cung phi Nhà Tống vì giặc bức bách lênh đênh sóng gió trôi dạt đến đây, Thượng đế sắc phong làm thần đã lâu, nay xin giúp công thánh thượng đánh giặc”.

Tỉnh giấc sực nhớ lại, Trần Anh Tông liền cho tả hữu xung quanh, mời các bô lão trong vùng đến hỏi mới biết đó là Phu nhân Họ Triệu, Hoàng Hậu của nước Nam Tống vào năm Triệu Bảo thứ nhất (1279) bên Trung Hoa, quân Nguyên đánh úp quân Tống ở cửa Nhai Sơn, quân Tống bị tan vỡ, trung thần của Nhà Tống là tướng Trương Thế Kiệt và Đế Bính cùng bao quan quân trong đêm chạy ra biển trốn nhưng chẳng may sóng to, gió lớn nổi lên, Trương Thế Kiệt, Đế Bính cùng bao quân lính chết sạch, Hoàng Hậu cùng hai cô con gái may sao bám được một mãnh ván thoát chết, sóng gió đã đưa ba mẹ con vào cửa Cờn ở Quỳnh Lưu- Nghệ An. Một nhà sư trụ trì tại một ngôi chùa gần đó, buổi chiều đi dạo trên bãi cát ven biển, thấy ba người trôi dạt đã thập tử, nhất sinh liền ra cứu, nhà sư đem ba mẹ con vào ở trong chùa để nuôi và chăm sóc cho ăn tử tế. Được một thời gian ngắn ba mẹ con lại sức trở lại béo tốt, nhất là vẻ mặt của Hoàng Hậu tuyệt đẹp, Sư động lòng trần tục muốn tư thông bị Hoàng Hậu cự tuyệt, nhà sư xấu hổ gieo mình xuống biển tự tử, haytin Hoàng Hậu than rằng: “chúng ta nhờ sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao lỡ yên lòng”, nói xong Hoàng Hậu cũng nhảy xuống biển chết. Mất mẹ, hai cô con gái khóc thảm thiết, nghĩ rằng sống bơ vơ ở nơi đất khách quê người, không cha, không mẹ, không bà con, không nơi nương tựa, buồn quá hai người con gái của Hoàng Hậu cũng nhaytr xuống biển chết theo. Bốn người chết, thi thể nổi lên, một mùi hương như lan quế toát ra, về sau rất linh thiêng, dân xã lập đền thờ làm thần, nhân đấy lấy tên xã mình là Hương Cần. Vì thờ cả bốn người nên bà con quanh vùng thường gọi là “Tứ Vị”.

Đã rõ sự tích, Trần Anh Tông sai làm lễ cúng tế, ra đi mặt biển yên lặng vua kéo quân thẳng đến Chà Bàn (thuộc tỉnh Quảng Bình bây giờ) thắng trận lớn, khi trở về Nhà vua hạ lệnh gia phong là: “Quốc gia Nam Hải đại càn Thánh Nương”, lại cho sửa đền thờ thêm khang trang, rộng rãi và mở rộng phối thờ.

Như vậy đền thờ “Tứ Vị” ở cưa Cờn là nơi thờ chính, thờ ở Nghè Cáy –xã Hoằng Phụ và nhiều nơi khác trong các tỉnh ven biển từ Nghệ An trở ra miền Bắc chỉ là phối thờ.

   4. THỜ “ĐỨC THÁNH ĐẠI GIANG” hay còn gọi là “ĐỨC THÁNH MẪU”

          Theo “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” và các cụ cao niên cung cấp thì ở Nghè Cáy-xã Hoằng Phụ còn thờ vị thần có Duệ Hiệu là “Đức Thánh Đại Giang” (Mộc Thần).

Đã rõ về  thờ tự tại Nghe Cáy-xã Hoằng Phụ, trong Nghè được dựng thờ các vị: Thần Sát Hải đại vương “Hoàng Tá Thốn” thờ chính;  phối thờ “Tứ vị Thánh nương”,  phối thờ “Đức Thanh Giang” và thờ 6 vị Thành Hoàng làng có công khai khẩn và bảo vệ đất đai, dân làng Bằng Trì xưa, nay là thôn Xuân Phụ (gồm: Cụ Đỗ Hữu Khanh, người Hậu Lộc, Thanh Hóa là người có công khai khẩn quai đê lấn biển, lập làng và sau bàn giao tiếp quản duy trì cho 5 cụ trong làng: cụ Tú tài Lê Quang Hạ, cụ Đàm Bằng Trỏi, cụ Phạm Bá Oanh, cụ Lê Cao Cảnh và cụ Cao Văn Hoạch). Trước đây nhân dân trong làng lập miếu nhỏ để thờ và tưởng nhớ công lao của các vị. Đến năm 1905 nhân dân quyên góp cơ sở vật chất lập Nghè thờ các vị và tổ chức nghi lễ hàng năm vào Rằm tháng giêng để tưởng nhớ các vị thần và các vị Thành hoàng làng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm và có công khai khẩn mở mang bờ cõi, bảo vệ đất đai, dân làng và được duy trì đến nay.

Do những năm cải cách ruộng đất, do hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh nên các Thần Phả gốc đều thất lạc, bị mất và hư hỏng hết, chỉ còn lại các cổ vật hiện có trong Nghè để xác định các niên đại cùng với “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” và các tài liệu khác ghi lại để làm cơ sở đề nghị công nhận Nghè Cáy là di tích lịch sử.

Sau nhiều năm khảo sát, kiểm tra, thẩm định và đề nghị, Nghè Cáy – xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh” theo Quyết định số: 2382/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 8 năm 2006 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau khi có quyết định công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”.

Năm 2007, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để tu sửa cấp thiết khu di tích với nguồn vốn của nhà nước và địa phương đã kêu gọi, đầu tư trùng tu khuôn viên Di tích, đưa vào quản lý theo quy định của luật di sản, hàng năm tổ chức nghi lễ để tri ân công lao to lớn  của các vị thần và Thành hoàng được thờ trong Di tích. 

Di tích được mở cửa đón khách thập phương về viếng thăm và dâng hương vào các ngày tuần tiết như sau:

- Ngày 30 âm lịch hàng tháng

- Ngày 01, ngày 14, ngày 15 âm lịch hàng tháng;

- Tết nguyên đán đón khách từ tối 30 tết đến ngày 07 tháng giêng âm lịch hàng năm;

- Tổ chức chính lễ vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Ngoài ra quý khách có thể đăng ký thăm quan và dâng hương, tế lễ vào các ngày trong năm khi cần thiết và được sự đồng ý của Ban quản lý di tích.

 

Bài và ảnh: Trương Văn Quyền, Công chức VHXH xã Hoằng Phụ

Truy cập
Hôm nay:
11449
Hôm qua:
14477
Tuần này:
11449
Tháng này:
409498
Tất cả:
16058030