QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN HOẰNG HÓA LẦN THỨ XXVII

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Hoằng Phượng.

Đăng lúc: 05:21:33 04/10/2024 (GMT+7)

Hoằng Phượng là xã nằm về phía bắc huyện với 2 làng Vĩnh Gia và Phượng Mao có cư dân sinh sống lâu đời. Trong quá trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền địa phương trong xã chú trọng đến tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

3. Biểu diễn tại Lễ công bố thôn Phượng Mao đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu..jpg
Thôn Phượng Mao xã Hoằng Phượng đón thôn NTM kiểu mẫu.
Xác định XDNTM gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hoằng Phượng đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Trong đó, các làng, thôn, khu dân cư đã lưu giữ các nét văn hóa, phong tục đặc sắc ở địa phương; bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan; xây dựng quy ước, hương ước quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, khu dân cư văn hóa; vận động Nhân dân đóng góp tiền của, công sức và hiến đất để xây dựng các công trình giao thông liên thôn, tường rào hoa, nhà văn hóa, khu thể thao, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp....

Làng Vĩnh Gia có 3 thôn, 990 hộ với 3.870 nhân khẩu, là một làng cổ, có từ lâu đời và số nhân khẩu đông, nhân dân ở đây đã sớm xây dựng được những giá trị văn hóa lịch sử rất đỗi tự hào. Vĩnh Gia có những di tích lịch sử khá nổi tiếng như Chùa Vĩnh Phúc Tự; đối diện về phía Bắc có có nghè thờ Tam vị Đại vương, gồm Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân và Tôn Thành hoàng làng. Ngoài ra còn có giáo họ Vĩnh Gia thuộc giáo xứ Trinh Hà. Trải qua thời gian, nhiều lần có lúc chia tách, sáp nhập tại những thời điểm lịch sử khác nhau song giữa các thôn trên vùng đất làng Vĩnh Gia luôn có sự liên hệ, gắn bó, đồng thời, luôn là cái nôi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Trên đất làng Vĩnh Gia hôm nay, bên cạnh những giá trị di sản văn hóa được gìn giữ, phát huy; sự quần tụ đặc sắc của cả Chùa, nghè, giáo họ; người dân Vĩnh Gia hôm nay cũng đang nỗ lực xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, đưa Vĩnh Gia phát triển trên nền móng văn hóa dân tộc. Đến hết tháng 8 năm 2024, trên đất làng Vĩnh Gia đã có thôn Vĩnh Gia 1, Vĩnh Gia 2 đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; thôn Vĩnh Gia 3 nỗ lực về đích thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2024.

Trên dải đất chỉ vẻn vẹn 1km2 với 330 hộ, 1.237 nhân khẩu đựơc chia làm 12 cụm dân cư, 7 dòng họ cùng nhau sinh sống nhưng làng Phượng Mao xã Hoằng Phượng trong quá trình xây dựng và phát triển, các gia đình, dòng họ và nhân dân trong làng luôn đoàn kết,chung lưng đấu cật, gắn bó nhau cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung tay xây dựng làng quê ngày càng phát triển và đổi mới nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp dung dị, mộc mạc của một làng quê thanh bình. Trải qua năm tháng, các thế hệ người dân làng Phượng Mao sống đoàn kết, hăng say lao động sản xuất xây dựng cuộc sống, dệt nên những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo, vững bền theo thời gian, lắng đọng sức sống làng chèo truyền thống. Trong đó, đình làng Phượng Mao như “chứng nhân lịch sử”, biểu tượng đẹp của đất và người nơi đây.

Về Phượng Mao hôm nay, ai cũng bất ngờ trước những con đường bê tông trải rộng. Người dân đã hiến đất mở đường, nắn chỉnh những khúc cua, khiến đường phong quang, sạch sẽ. Nếu như ở nhiều địa phương, ao làng, giếng làng vốn là những mảnh hồn quê đang dần biến mất, thì ở Phượng Mao, ao làng được kè cẩn thận nằm quanh quần thể di tích đình làng. Song song với đầu tư hạ tầng, Ban phát triển thôn Phượng Mao đã chú trọng nâng cao chất lượng mô hình làng văn hóa, gia đình văn hóa, chú trọng bảo tồn những nét đẹp của “nông thôn cũ” như đầu tư bảo tồn di tích, di sản, gìn giữ các phong tục truyền thống. Người dân Phượng Mao đi đâu cũng muốn về với làng quê của mình.

Hoằng Phượng là vùng đất lịch sử giàu truyền thống văn hóa, là nơi còn lưu giữ rất nhiều các giá trị văn hóa dân tộc, từ di tích lịch sử đến lễ hội, trò diễn, trò chơi, văn hóa dân gian. Địa phương đã triển khai các hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị theo quy định pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức các loại hình văn hóa truyền thống như lễ hội, trò chơi, trò diễn; duy trì, phát triển, nhân rộng các loại hình văn hóa dân gian trong sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn. Thông qua việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân, tạo dựng nên những miền quê nông thôn đáng sống.

Điều dễ nhận thấy khi đến xã Hoằng Phượng hôm nay, đó là ta tìm thấy giá trị lịch sử – văn hóa ẩn tàng trong khối kiến trúc toàn cảnh hoành tráng, trang nghiêm nhưng bình dị với non nước hữu tình và chợ Chùa mến khách; đến với những di tích thờ thần ở 2 làng văn hóa Vĩnh Gia và Phượng Mao và nhớ lại thời kỳ kháng chiến kiên cường, bất khuất của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống trả đế quốc Mỹ xâm lăng. Ở vùng đất ấy, ta còn thấy con người đang không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống hiện tại, đoàn kết một lòng, góp sức mình xây dựng Hoằng Phượng phát triển.

Thanh Qúy – Trung tâm VHTT TT&DL

Truy cập
Hôm nay:
9710
Hôm qua:
14477
Tuần này:
9710
Tháng này:
407759
Tất cả:
16056291